Điều trị bảo tồn là mục đích được ưu tiên trong các trường hợp cong vẹo cột sống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ không có lựa chọn khác ngoài quyết định phẫu thuật vẹo cột sống.
Phẫu thuật vẹo cột sống là gì?
Phẫu thuật vẹo cột sống thường là phương án cuối cùng trong điều trị cong vẹo cột sống. Với các trường hợp bệnh quá nặng, người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ cân nhắc đến chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống sẽ phụ thuộc vào tuổi khởi phát của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến dạng vẹo cột sống, tốc độ tiến triển của các biến dạng. Trong một số trường hợp, chỉ định phẫu thuật điều trị cong vẹo cột sống sẽ dựa trên vị trí biến dạng của cột sống. Đa phần những ca bệnh vẹo cột sống tự phát được chỉ định mổ khi biến dạng cột sống từ 45º trở lên.
Mục tiêu của phẫu thuật.
Phẫu thuật vẹo cột sống thường có các mục tiêu sau:
- Ngăn chặn sự tiến triển bất thường của đường cong cột sống: Chứng vẹo cột sống khi cần phải phẫu thuật, thường là do tình trạng biến dạng đang tiến triển nghiêm trọng.
- Giảm sự biến dạng cột sống: Tùy thuộc vào mức độ linh hoạt của cột sống, phẫu thuật vẹo cột sống có thể làm giảm tình trạng xoắn cột sống bất thường, điều chỉnh đường cong trở lại bình thường khoảng 50% – 70%. Sự thay đổi này có thể giúp người bệnh đứng thẳng hơn, cải thiện tình trạng thăn lưng mất cân đối do xương sườn lồi lên.
- Giữ cân bằng cho cơ thể: Khi điều chỉnh vị trí của cột sống, bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ tính đến sự cân bằng tổng thể của cơ thể người bệnh bằng cách cố gắng duy trì đường cong tự nhiên trước/sau của cột sống.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị vẹo cột sống.
Phẫu thuật xương cột sống thường là phương án cuối cùng trong điều trị cong vẹo cột sống. Với các trường hợp quá nặng, người bệnh không đáp ứng với những phương pháp điều trị nội khoa, bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa mà bác sĩ thường chỉ định trong điều trị cong vẹo cột sống gồm:
- Cắt bỏ đốt sống hoặc đĩa đệm
- Cố định cột sống
Chỉ định thực hiện khi nào?
- Vẹo cột sống ngực vô căn thiếu niên hay vẹo cột sống đoạn bản lề ngực thắt lưng hoặc đoạn thắt lưng (Lenke I hay V)
- Góc vẹo cột sống hơn 40º và dưới 70º
- Góc vẹo cột sống lưng từ 35º tới 40º, nhưng góc vẹo tiến triển nhanh (trên 10º trong 1 năm, dù có dùng áo chỉnh hình cột sống)
- Góc vẹo cột sống lưng mềm dẻo dưới 30º
- Không quá 8 đốt sống cần hàn xương
- Hàn xương không quá đốt T4 và không quá đốt L1.
Chống chỉ định.
- Các đường cong ngực kép
- Các đường cong ngực cao cứng, có tỷ lệ mềm dẻo dưới 50% hay góc nắn chỉnh hơn 30º
- Góc gù cột sống ngực hơn 40º
- Mắc những bệnh lý lồng ngực (có tiền sử viêm dính màng phổi, lao phổi, viêm phổi tái phát…), chức năng phổi kém hay đã có tiền sử phẫu thuật lồng ngực hoặc vùng sau phúc mạc cùng bên can thiệp vẹo (bên lồi).
Quy trình mổ cong vẹo cột sống.
1. Chuẩn bị trước khi mổ
- Kiểm tra hồ sơ của người bệnh: Tiến hành kiểm tra đầy đủ theo quy định Bộ Y tế
- Kiểm tra người bệnh: Đúng người (tên, tuổi, địa chỉ…) và đúng bệnh.
2. Thực hiện phẫu thuật
Phẫu thuật vẹo cột sống được thực hiện bằng cách gắn những vít nhỏ vào cột sống và dùng một thanh đặc biệt để gắn từng vít với nhau, đồng thời điều chỉnh các góc cột sống để làm thẳng đường cong.
Thời gian phẫu thuật cong vẹo cột sống lưng kéo dài bao lâu?
Phần lớn các ca phẫu thuật vẹo cột sống lưng sẽ kéo dài từ 4 đến 8 giờ. Thời gian phẫu thuật còn tùy thuộc vào kích thước đường cong của người bệnh và mức độ cần hợp nhất của cột sống.
1. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật.
Vài ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, chán ăn. Tình trạng này là bình thường. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý đến chế độ ăn uống, đảm bảo bổ sung dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước để hạn chế những vấn đề về tiêu hóa, nhanh chóng phục hồi và đủ sức thực hiện những bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
2. Cung cấp nhiều calo hơn cho cơ thể.
Sau mổ vẹo cột sống, sự trao đổi chất của người bệnh sẽ tăng lên cùng với nhu cầu chữa bệnh. Vì thế, cơ thể của bạn sẽ cần lượng calo gấp đôi bình thường. Tốt nhất là người bệnh nên bổ sung những loại thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc, các loại đậu, trái cây tươi và rau quả để cung cấp thêm vitamin C, các chất dinh dưỡng cần thiết để chữa lành vết thương.
3. Chế độ ăn giàu chất đạm.
Đạm là chất dinh dưỡng quan trọng, giúp chữa lành vết thương sau mổ. Người bệnh nên bổ sung vào thực đơn mỗi ngày các loại thực phẩm như thịt nạc, thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phụ… Đồng thời, bạn đừng quên bổ sung những sản phẩm từ sữa ít béo để cung cấp canxi, vitamin D cần thiết cho quá trình phục hồi xương.
4. Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên hơn.
Thay vì ăn ba bữa lớn như trước đây, người bệnh nên ăn thành 4-6 bữa ăn nhỏ, cân bằng và cách quãng đều trong ngày. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa, nhất là khi bạn đang tăng lượng calo nạp vào cơ thể.
5. Bổ sung chất xơ và nước.
Nếu những loại thuốc điều trị gây táo bón, người bệnh hãy uống đủ nước theo cân nặng của mình. Bên cạnh đó, bạn đừng quên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả. Người bệnh cũng có thể uống nước ép, sinh tố để tăng cường nước và chất xơ cho cơ thể. Nếu tình trạng táo bón vẫn không cải thiện, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí phù hợp.
Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống có nguy hiểm không?
- Tổn thương rễ thần kinh, màng cứng: Hướng xử trí là vá màng cứng.
- Tổn thương động mạch chủ ngực hay tĩnh mạch chủ: Xử trí tổn thương tùy thuộc vị trí.
- Nhiễm trùng vết mổ: Dùng kháng sinh theo đường tĩnh mạch theo kháng sinh đồ, thay băng rửa vết thương; truyền dịch, có thể mổ lại khi cần đồng thời tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương.
- Máu cục màng phổi: Hướng xử trí là thực hiện nội soi lấy máu cục.
Lưu ý sau khi thực hiện.
Trong hai tuần đầu sau phẫu thuật, người bệnh không nên đến trường, đi làm hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Đây là thời gian để cơ thể phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong thời gian này, bạn chỉ nên nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn từ bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra vết thương, thay băng.
- 6 tháng đầu sau mổ: Người bệnh không hoạt động nặng; chỉ nên thực hiện các hoạt động cơ bản hằng ngày như đi lại, chăm sóc cá nhân. Tránh nâng vác vật nặng và không nên chạy, nhảy để tránh ảnh hưởng tới quá trình phục hồi cơ thể.
- 6-8 tháng sau mổ: Sau sáu tháng, người bệnh sẽ được kiểm tra lại sức khỏe, bao gồm cả chụp X-quang. Nếu quá trình phục hồi tiến triển tốt, bạn sẽ được phép hoạt động nhiều hơn, chẳng hạn như bơi lội.
- 8-10 tháng sau mổ: Sau tám tháng, người bệnh bắt đầu các bài tập chuỗi đóng (closed kinetic chain exercises). Đây là các bài tập được thực hiện khi bàn chân ở trong vị thế cố định, không di chuyển trong suốt bài tập, bàn chân duy trì sự tiếp xúc hằng định với một mặt phẳng, thường là mặt đất, bàn đạp chân của xe đạp. Các bài tập này là bài tập chịu sức nặng gồm cả sức nặng cơ thể hoặc sức nặng ngoại lai như tạ, lò xo.
- 10-12 tháng sau mổ: Người bệnh có thể chạy, nhảy, tham gia các môn thể thao yêu thích. Tuy nhiên, trước khi quay trở lại các hoạt động này, người bệnh cần tái khám với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế mắc chấn thương ảnh hưởng đến cột sống.
Phẫu thuật vẹo cột sống là một cuộc phẫu thuật phức tạp, cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng với trang thiết bị y tế hiện đại. Vì thế, người bệnh chỉ nên thực hiện phẫu thuật điều trị cong vẹo cột sống tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm sau phẫu thuật.