Đau vai gáy là bệnh lý rất phổ biến hiện nay và có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Do vậy, nhiều người thường chủ quan với bệnh. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng có thể dẫn tới một số biến chứng khôn lường.
Đau vai gáy – Dấu hiệu của bệnh lý cơ xương khớp.
Đau vai gáy là hiện tượng vùng cổ, vai, gáy bị co cứng, đau nhức khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động. Bệnh lý này có liên quan mật thiết đến hệ cơ xương khớp và mạch máu tại cùng cổ, vai, gáy và hầu như ai cũng từng mắc phải, đặc biệt là đối tượng dân văn phòng hoặc làm việc thường xuyên trước máy tính trong thời gian dài.
Khi mới khởi phát, người bệnh sẽ cảm thấy đau mỏi hoặc tê bì từ gáy đến bả vai, tê buốt cánh tay và đau cứng cơ cổ sau khi ngủ dậy. Ở giai đoạn này, người bệnh thường hay chủ quan và bỏ qua những triệu chứng khởi phát. Theo thời gian, tần suất các cơn đau tăng dần và kéo dài trong nhiều ngày hoặc đau đột ngột khi ho, hắt hơi; đồng thời việc cử động cổ hoặc xoay vai cũng sẽ gặp khó khăn.
Triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý cơ xương khớp nguy hiểm như:
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
– Thoái hóa đốt sống cổ
– Hẹp ống sống
– Viêm khớp
– Rách gân cơ vùng vai do thoái hóa
– Viêm cột sống dính khớp
– Gai cột sống.
Những biến chứng đau vai gáy cần cảnh giác.
Dưới đây là những biến chứng đau vai gáy có thể xảy ra:
Thiểu năng tuần hoàn não.
Thiểu năng tuần hoàn não là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh đau vai gáy. Tình trạng này xảy ra khi máu tuần hoàn lên não bị suy giảm, dẫn đến thiếu hụt oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động của não bộ.
Cơ chế hoạt động của thiểu năng tuần hoàn não do đau vai gáy là: Máu tuần hoàn lên não, khi đi qua cổ vai gáy bị các cơn co cứng đột ngột gây chèn ép, tắc nghẽn và làm cản trở quá trình lưu thông máu lên não bộ. Do vậy, người bị thiểu năng tuần hoàn máu sẽ có những dấu hiệu như: Thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt, đau nhức đầu, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, khó ngủ, mất ngủ, rối loạn cảm xúc,…
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
Khi các cơn đau vai gáy kéo dài lâu ngày có thể lan rộng ra vai và cánh tay, gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Lúc này, người bệnh có các triệu chứng như: tê bì mất cảm giác từng vùng cánh tay, teo cơ, giảm vận động, liệt vận động cánh tay, cẳng tay hoặc ngón tay.
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sự khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
Thực tế cho thấy, một số bệnh nhân bị đau vai gáy do thói quen sinh hoạt có khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ cao hơn bình thường.
Khi bị bệnh này, các gai xương sẽ xuất hiện và chèn ép vào dây thần kinh ở cổ vai gáy, gây đau nhức, mỏi. Người bệnh thường cảm thấy đau, cứng cổ mỗi khi ngủ dậy. Đối tượng dễ mắc nhất là người trung niên (trên 40 tuổi). Tình trạng này kéo dài sẽ thúc đẩy quá trình thoái hóa cột sống và các cơ quan xung quanh diễn ra nhanh hơn bình thường.
Chèn ép tủy sống vùng cổ.
Các tổn thương cột sống cổ mức độ nặng có thể gây chèn ép tủy sống vùng cổ. Tuy biến chứng này thường hiếm gặp nhưng nếu xảy ra sẽ gây tai biến nặng nề cho bệnh nhân như rối loạn cảm giác ở chân tay, rối loạn thần kinh thực vật, liệt nửa người hoặc tứ chi.
Rối loạn thần kinh thực vật.
Nếu các cơn đau vai gáy ở mức độ nặng có thể dẫn đến hẹp cột sống cổ hoặc chèn ép lên tủy sống vùng cổ và gây ra biến chứng rối loạn thần kinh thực vật. Thần kinh thực vật có chức năng chi phối hoạt động của các cơ quan như tim, hô hấp, tiêu hóa,…
Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường, cảm giác lo âu, suy giảm trí nhớ, đau đầu, mệt mỏi, khó thở, các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,… là những biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật.
Rối loạn tiền đình.
Tiền đình là cơ quan nằm phía sau ốc tai, có nhiệm vụ duy trì tư thế thăng bằng và phối hợp cử động của toàn bộ cơ thể. Rối loạn tiền đình là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đau mỏi vai gáy, đặc biệt đối với người trên 50 tuổi. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn thương dẫn đến triệu chứng ù tai, hoa mắt, mất thăng bằng, choáng đầu,…
Đau rễ thần kinh.
Rễ thần kinh cột sống cổ bị chèn ép gây ra những cơn đau nhói dữ dội hoặc bỏng rát, tê tái, nhức nhối ở các vùng lưng, cổ, vai gáy, cánh tay và đầu.
Các biến chứng đau vai gáy khác.
Tình trạng đau mỏi vai gáy dai dẳng khiến bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Từ đó gây mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người bệnh.
Những ảnh hưởng nghiêm trọng mà biến chứng đau vai gáy để lại.
Đau mỏi vai gáy thường xuyên, kéo dài gây ra nhiều biến chứng nặng nề và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày.
Những cơn đau nhức có thể ập đến bất cứ lúc nào: đang làm việc bỗng nhiên bị đau nhức. hoặc chỉ cần chạm nhẹ hay xoay đầu cũng có cảm giác đau đớn.
Nghiêm trọng hơn, cơn đau mỏi vai gáy kéo theo các vấn đề khác như: ù tai, đau đầu, chóng mặt, tê các dây thần kinh qua cổ vai gáy… khiến người bệnh khó khăn trong mọi cử động. Người bệnh không còn thoải mái khi vận động cánh tay hay giơ tay lên. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc hằng ngày.
Ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Không chỉ gây phiền toái đến cuộc sống hằng ngày, đau mỏi vai gáy còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Những cơn đau vai gáy xuất hiện ngay cả khi đang nằm nghỉ, khiến người bệnh mất ngủ, ngủ không yên giấc. Điều này khiến cho người bệnh luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, mất tập trung, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, những biến chứng như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, rối loạn vận động của xương bả vai, viêm gân chóp xoay trong khớp vai, bệnh viêm khớp vai, thoái hóa khớp bả vai, dính khớp bả vai, u xương vai… đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Phòng ngừa các biến chứng đau vai gáy.
Để hạn chế biến chứng đau vai gáy xảy ra, mỗi người cần chủ động theo dõi sức khỏe cột sống. Nếu cơn đau kéo dài và không thuyên giảm, tái đi tái lại nhiều lần hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý:
- Tránh hoạt động sai tư thế trong làm việc, học tập và các sinh hoạt hàng ngày
- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày với các bài tập phù hợp.
- Trong chế độ ăn cần bổ sung canxi, kali và các vitamin như B, C, E… để giúp hệ xương khớp cũng như cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Giữ ấm cơ thể, tránh để bị nhiễm lạnh đột ngột.
- Trong trường hợp cấp tính không xoa bóp, bấm huyệt hay vận động mạnh
- Không nên xoay cổ hay vặn cổ hoặc xoay lưng mạnh, đột ngột.
- Phân bổ thời gian sinh hoạt khoa học, hợp lý để nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
- Không nên làm việc quá sức.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
- Tránh sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn khác.
- Thường xuyên thăm khám để theo dõi tiến triển của bệnh và thực hiện các biện pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.