Tính từ cổ xuống mông, 33 đốt sống tạo thành 5 đoạn cột sống riêng biệt, bao gồm:
1. Cột sống cổ.
Phân đoạn này được tạo thành từ 7 đốt sống đầu tiên trong cột sống, bắt đầu ngay dưới hộp sọ và kết thúc trên cột sống ngực. Đốt sống cổ di động nhiều hơn so với những vùng khác, cấu tạo gồm nhiều lỗ, cho phép động mạch đi qua và vận chuyển máu lên não. Phân đoạn này cũng rất dễ bị chấn thương khi cử động mạnh hoặc đột ngột do giới hạn về cơ đồng thời phải hỗ trợ trọng lượng lớn từ phần đầu.
Thoái hóa đốt sống cổ C5-C6 là tình trạng xuất hiện khá phổ biến tại khu vực này.
2. Cột sống ngực.
Cột sống ngực được tạo thành từ 12 đốt sống giữa, kết nối với xương sườn để tạo thành một phần của mặt sau ngực. Tại đây có các đĩa đệm mỏng và rất hẹp, do đó, chuyển động bị hạn chế hơn nhiều so với khu vực cổ hay thắt lưng. Ngoài ra, không gian trong ống sống dành cho dây thần kinh cũng tương đối nhỏ. Tuy khá hiếm gặp, nhưng thoái hóa đốt sống ngực cũng là một bệnh lý cột sống nguy hiểm.
3. Cột sống thắt lưng.
Đây là phần thấp nhất của cột sống, gồm 5 đốt sống (một vài trường hợp có 6 đốt sống). Nền của xương cùng là sự hợp nhất của nhiều xương, khi một trong số này hình thành như một đốt sống thay vì là một phần của xương cùng, nó được gọi là đốt sống chuyển tiếp (đốt sống thứ sáu). Hiện tượng này thường không nguy hiểm và dường như không tồn tại bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Các đốt sống ở vùng thắt lưng có kích thước lớn nhất trong toàn bộ cột sống, vì vậy, không gian di chuyển dành cho dây thần kinh cũng rộng hơn. Hiện nay, tình trạng đau thắt lưng cũng xảy ra rất phổ biến. Nguyên nhân là do các đốt sống tại đây được kết nối với xương chậu, chịu phần lớn trọng lượng cơ thể cũng như các chuyển động liên quan: nâng vật nặng, xoay người, thoái hóa đốt sống lưng… Những chấn thương lặp đi lặp lại về lâu dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng.
4. Xương cùng.
Đây là một xương hình tam giác nằm bên dưới đốt sống thắt lưng cuối cùng, giữa xương hông và tạo thành mặt sau của xương chậu. Xương cùng kết nối với xương chậu ở bên trái và bên phải bằng khớp cùng chậu (khớp SI).
5. Xương cụt.
Ngay bên dưới xương cùng là 3 – 5 xương nhỏ hợp nhất với nhau khi trưởng thành tạo nên xương cụt (đốt sống cụt). Mặc dù kích thước rất nhỏ, không đáng kể, nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ trọng lượng cơ thể khi ngồi.